Sinh vật gây hại rừng ngập mặn tại tỉnh Hà Tĩnh

      Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm về việc tham gia đoàn công tác do Cục Bảo vệ thực vật chủ trì, tổ chức khảo sát sinh vật gây hại rừng ngập mặn tại Hà Tĩnh (theo Công văn 1587/BVTV-TV ngày 14/8/2020 của  Cục Bảo vệ thực vật).

Ngày 18/8/2020 Chi cục Kiểm lâm vùng II đã tham gia, phối hợp với Trung tâm Bảo vệ thực vật rừng vùng Khu vực IV, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh, Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh, Ban quản lý dự án trồng rừng ngập mặn tổ chức khảo sát, kiểm tra thực tế tại hiện trường, lấy mẫu sinh vật hại tại nhiều địa điểm khác nhau tại Công trình trồng rừng ngập mặn (cây Bần chua) tại các xã: Thạch Môn, Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh với diện tích 25ha được đầu tư bởi Dự án Quản lý nguồn nước trổng hợp và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu tại tỉnh Hà Tĩnh (IWMC) do Ban quản lý Đầu tư xây dựng Công trình dân dụng và Công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư (từ nguồn tài trợ không hoàn lại của Chính phủ vương quốc Bỉ và vốn đối ứng).

Dự án được triển khai vào tháng 11/2018, hoàn thành trong tháng 12/2018. Sau khi trồng 2-3 tháng, cây bắt đầu sinh trưởng và phát triển tốt, đến tháng 8/2019 bắt đầu xuất hiện tình trạng cây trồng bị loài giáp xác tấn công thông qua việc đục phá thân cây làm nơi trú ngụ (trung bình một cây có từ 10 - 30 cá thể giáp xác gây hại), chúng đục ngang thân cây đoạn từ gốc sát mặt đất lên phía trên khoảng 10cm, làm đứt ngang thân, dẫn đến cây chết hàng loạt. Ngoài ra, trong vùng (khu vực lân cận, tiếp giáp với rừng trồng dự án) có khoảng hơn 20ha rừng trồng ngập mặn lâu năm, gồm các loài cây (Trang, Đước, Bần chua) hiện đang sinh trưởng và phát triển bình thường, chiều cao từ 3 - 5m cũng phát hiện có khoảng 10 - 15% cây đang sống đã xuất hiện loài giáp xác bộ chân đều tấn công. Qua quan sát các cây lâu năm đã chết, loài giáp xác này đang tồn tại tương đối nhiều trong thân cây và gốc cây còn sót lại. Các cơ quan chức năng địa phương đã nhận định đối tượng gây hại, bước đầu xác định: Do sinh vật thuộc loài giáp xác Sphaeroma terebrans Bate, họ Sphaeromatids, bộ chân đều Isopoda, lớp Malacostraca. Loài giáp xác Sphaeroma terebrans Bate đục rễ, thân cây ngập mặn như đước, mắm, vẹt, ban... thành các lỗ có đường kính 0,4 - 0,6 cm làm nơi trú ẩn, sinh sản.

Để có cơ sở kết luận chính xác, khánh quan, khoa học và khuyến cáo kịp thời, làm cơ sở cho việc đề xuất, áp dụng các biện pháp xử lý cụ thể đối với loài sinh vật gây hại rừng trồng ngập mặn, Đoàn công tác đã tiến hành lấy mẫu trên tất cả các đối tượng bị xâm hại, tiến hành quy trình giám định.

 

     Ở Việt Nam một số tỉnh đã bị loài sinh vật lạ này xâm hại, Quảng Ngãi năm 2017, đến nay chưa có loại thuốc bảo vệ thực vật nào được sử dụng để ngăn chặn sự lây lan hoặc tiêu diệt loài sinh vật này. Một số giải pháp trước mắt được Đoàn công tác đưa ra: Thu gom, tiêu hủy diện tích cây bị chết, đặt tấm xốp mềm để sinh vật làm tổ sau đó thu gom mang tiêu hủy, tiếp tục theo dõi, đánh giá tác động đối với các diện tích còn lại, trồng dặm thử nghiệm loài cây trồng khác, báo cáo và đề xuất thực hiện đề tài nghiên cứu về loài sinh vật này,...

Hiện nay, Trung tâm Bảo vệ thực vật rừng vùng Khu vực IV, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã lấy mẫu giám định, đưa ra kết luận cuối cùng về loại sinh vật hại rừng ngập mặn này./.

(Tin, ảnh: Chi cục Kiểm lâm vùng II)

Thống kê website

Lượt truy cập: 310345

Đang online: 9

Ngày hôm qua: 197