Chức năng nhiệm vụ

 Vị trí, chức năng, nhiệm vu và quyền hạn của Chi cục Kiểm lâm vùng II

I. Vị trí và chức năng

1. Chi cục Kiểm lâm vùng II là tổ chức thuộc Cục Kiểm lâm, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Cục trưởng Cục Kiểm lâm quản lý nhà nước về quản lý bảo vệ rừng, đảm bảo chấp hành pháp luật về lâm nghiệp; tổ chức lực lượng chuyên ngành về phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật và phân cấp, ủy quyền của Cục trưởng.

2. Phạm vi hoạt động của Chi cục Kiểm lâm vùng II gồm 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Hòa Bình, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

3. Chi cục Kiểm lâm vùng II có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước cấp theo quy định của pháp luật.

4. Trụ sở của Chi cục Kiểm lâm vùng II đặt tại thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

II. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Trình Cục trưởng Cục Kiểm lâm

a) Kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn, hàng năm; cơ chế, chính sách và các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch, phương án thuộc phạm vi hoạt động của Chi cục và theo phân công của Cục trưởng;

b) Phương án tổ chức huy động lực lượng của các cơ quan kiểm lâm, các cơ quan của địa phương trong phạm vi hoạt động của Chi cục để kịp thời ngăn chặn các vụ phá rừng trái pháp luật; chữa cháy rừng; phòng chống sinh vật hại rừng; khai thác vận chuyển, chế biến và thương mại lâm sản trái pháp luật.

2. Tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, quản lý lâm sản; tổ chức lực lượng chuyên trách về phòng cháy và chữa cháy rừng; chế độ, chính sách đối với kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng; tham gia xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia về quản lý chuyên ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi hoạt động của Cục.

3. Ban hành các văn bản cá biệt và hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thuộc phạm vi quản lý của Chi cục và theo phân công của Cục trưởng.

4. Phối hợp kiểm tra hướng dẫn việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi hoạt động của Chi cục và theo phân công của Cục trưởng.

5. Về bảo vệ rừng

a) Tham mưu trình Cục trưởng ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về quản lý bảo vệ rừng; bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm;

b) Kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn xử lý hành vi săn bắt, tàng trữ, vận chuyển, mua, bán trái pháp luật động vật rừng, thực vật rừng trong phạm vi hoạt động của Chi cục và theo phân công của Cục trưởng.

6. Về phòng cháy và chữa cháy rừng

a) Hướng dẫn, kiểm tra, việc thực hiện phòng cháy và chữa cháy rừng; tổ chức lực lượng chuyên ngành về phòng cháy và chữa cháy rừng trong phạm vi hoạt động của Chi cục;

b) Thông tin, cảnh báo, dự báo nguy cơ cháy rừng; theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các hoạt động về phòng cháy và chữa cháy rừng; phối hợp với cơ quan chức năng của địa phương đánh giá thiệt hại do cháy rừng, phá rừng xảy ra ở địa phương trong phạm vi hoạt động của Chi cục theo đề nghị của địa phương hoặc theo phân công của Cục trưởng;

c) Kiểm tra việc xây dựng và tổ chức thực hiện phương án phòng cháy và chữa cháy rừng của tổ chức, cá nhân trong phạm vi hoạt động của Chi cục;

d) Thường trực về lực lượng, phương tiện, thiết bị chuyên dùng và sẵn sàng cơ động chữa cháy rừng trong phạm vi hoạt động của Chi cục hoặc khi có lệnh điều động của Cục trưởng.

7. Kiểm tra việc thực hiện theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, kiểm kê rừng, giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, lập hồ sơ quản lý rừng trong phạm vi hoạt động của Chi cục theo phân công, phân cấp, ủy quyền của Cục trưởng.

8. Về quản lý lâm sản:

a) Kiểm tra, hướng dẫn, tổng hợp, báo cáo tình hình chấp hành pháp luật về khai thác, quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản trong phạm vi hoạt động của Chi cục và theo phân công của Cục trưởng;

b) Kiểm tra hướng dẫn việc thực hiện quy định của pháp luật về quản lý lâm sản hợp pháp trong phạm vi hoạt động của Chi cục và theo phân công của Cục trưởng.

9. Về tổ chức xây dựng lực lượng

a) Xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ đối với lực lượng kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách trong phạm vi hoạt động của Chi cục;

b) Theo dõi, tổng hợp tình hình chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng.

10. Đảm bảo chấp hành pháp luật về lâm nghiệp

a) Kiểm tra, truy quét, xử lý kịp thời các thông tin tại các vùng trọng điểm và các điểm nóng về phá rừng, khai thác, chế biến, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái pháp luật trong phạm vi hoạt động của Chi cục;

b) Tổ chức đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý vi phạm hành chính; khởi tố vụ án hình sự về các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp theo thẩm quyền.

11. Xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành về quản lý bảo vệ rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý lâm sản trong phạm vi hoạt động của Chi cục.

12. Tham gia thực hiện; phối hợp hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc; tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện chương trình, đề án, dự án và nhiệm vụ quản lý nhà nước về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên trong các hệ sinh thái rừng, sử dụng rừng, dịch vụ môi trường rừng, khai thác lâm sản và tổ chức sản xuất lâm nghiệp gắn với chế biến và thương mại lâm sản tại các địa phương trong phạm vi hoạt động của Chi cục.

13. Ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ

a) Thực hiện các đề tài, dự án về ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, quản lý lâm sản trong phạm vi hoạt động của Chi cục;

b) Tham gia các chương trình, dự án do quốc tế tài trợ và các hoạt động hợp tác quốc tế khác theo sự phân công của Cục trưởng.

14. Thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số theo chương trình, kế hoạch của Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và quy định của pháp luật.

15. Xây dựng danh mục vị trí việc làm, biên chế, cơ cấu ngạch công chức, số lượng viên chức, hạng chức danh nghề nghiệp viên chức. Quản lý công chức, viên chức, hợp đồng lao động theo quy định; thực hiện chế độ, chính sách, tiền lương, công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật, đào tạo, bồi dưỡng theo phân cấp của Cục trưởng và các quy định hiện hành của Nhà nước.

16. Quản lý tài chính, tài sản, phương tiện, trang thiết bị và các nguồn lực khác theo quy định của pháp luật; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của pháp luật.

17. Tổng hợp, báo cáo định kỳ, đột xuất về kết quả thực hiện nhiệm vụ của Chi cục.

18. Tổng hợp, báo cáo số liệu, chỉ tiêu thống kê ngành lâm nghiệp theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong phạm vi hoạt động của Chi cục.

19. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và phân công, phân cấp của Cục trưởng.

Thống kê website

Lượt truy cập: 309810

Đang online: 8

Ngày hôm qua: 198