Chi cục Kiểm lâm vùng II phối hợp với các Chi cục Kiểm lâm tỉnh trên địa bàn tuần tra, kiểm tra công tác bảo vệ chim hoang dã, chim di cư
Hiện nay, tại các một số tỉnh ven biển Miền Trung, Đồng bằng sông Hồng đang vào đầu mùa chim di cư. Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam và Văn bản số 906/KL-ĐN ngày 06/8/2024 của Cục Kiểm lâm về việc tăng cường công tác bảo vệ chim hoang dã, chim di cư. Ngay từ đầu mùa chim di cư, Chi cục Kiểm lâm vùng II đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với Chi cục Kiểm lâm các tỉnh trên địa bàn nắm bắt thông tin, tổ chức tuần tra, kiểm tra trên một số vùng có nguy cơ xảy ra tình trạng săn, bắt, bẫy, mua bán, vận chuyển, tàng trữ các loài chim hoang dã, chim di cư. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, từ đầu năm cơ bản các đơn vị đã chủ động triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; ban hành các văn bản, hướng dẫn, tuyên truyền qua hệ thống loa, đài phát thanh các huyện, thị xã, thành phố về công tác bảo vệ chim hoang dã, chim di cư; củng cố, kiện toàn Đoàn kiểm tra, kiểm soát và ngăn chặn các hành vi săn bắn, bẫy, bắt, vận chuyển, buôn bán, gây nuôi sinh trưởng, sinh sản trái phép các loài chim hoang dã và động vật rừng; chủ động thực hiện các Kế hoạch triển khai công tác quản lý, kiểm soát nuôi nhốt, săn bắn, bẫy, bắt, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ, quảng cáo trái phép các loài hoang dã, chim hoang dã, chim di cư trên địa bàn quản lý. Nhờ đó đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, sự quan tâm của các cấp, các ngành ở địa phương và người dân trong việc bảo vệ chim hoang dã, chim di cư trên địa bàn vào đầu mùa.
Tuy nhiên, một số nơi vẫn còn tồn tại tình trạng săn bắt, bẫy chim hoang dã, chim di cư. Qua công tác phối hợp kiểm tra tại hiện trường một số tỉnh, Đoàn kiểm tra phát hiện tiêu hủy các dụng cụ, thiết bị dùng để bẫy chim gồm: hơn 300 con cò giả được làm bằng xốp, 2.000m lưới, 500 que dính nhựa, 50 cọc tre; tháo dỡ 02 lều, lùm đơm chim; thả về tự nhiên 45 cá thể chim mồi; thu giữ 17 loa phóng thanh, 10 âm ly, 03 bình ác quy.
Hình ảnh Tổ công tác Chi cục Kiểm lâm vùng II phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa kiểm tra
, tháo gỡ lưới, cò giả dùng để bẫy chim hoang dã tại xã Thanh Thuỷ, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Hình ảnh Tổ công tác Chi cục Kiểm lâm vùng II phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa thả về tự nhiên
các cá thể chim mồi, chim bị bẫy tại xã Thanh Thuỷ, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Hình ảnh các dụng cụ, thiết bị như: Loa, âm ly, bình ắc quy dùng để phát âm thanh dụ chim vào khu vực bẫy được
Đoàn kiểm tra thu giữ trên địa bàn tỉnh Nam Định
Hình ảnh Đoàn kiểm tra tiêu hủy lưới, cọc dùng để săn bẫy chim hoang dã, chim di cư
Từ kết quả phối hợp kiểm tra nêu trên, Đoàn kiểm đã đề nghị các Hạt Kiểm lâm tiếp tục tham mưu cấp có thẩm quyền tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam; phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, tuần tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm về săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, quảng cáo, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; đồng thời tăng cường công tác phổ biến pháp luật, tuyên truyền, vận động cán bộ, người dân không tham gia săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, quảng cáo, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; không mua, bán các cá thể chim không có nguồn gốc hợp pháp để phóng sinh; phát huy tính chủ động, tích cực phản ánh, tố giác các đối tượng vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, chim hoang dã, di cư để đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, giảm thiểu tối đa các hành vi vi phạm trên địa bàn quản lý trong thời gian tới./.
Tin bài: Đội Kiểm lâm CĐ&PCCCR