Quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp
Đó là yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Phùng Tấn Viết tại “Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2015, triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020 và tổng kết công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức vào chiều ngày 2-6.
Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng từ năm 2011 - 2015, tại Đà Nẵng đã xảy ra 63 vụ phát lửa rừng với diện tích thiệt hại gần 500 hecta, trong đó có nhiều vụ cháy xảy ra trên diện rộng, kéo dài thời gian và huy động hàng nghìn người tham gia dập lửa. Số vụ vi phạm về quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản giảm về cả số vụ và mức độ thiệt hại.
Lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với các lực lượng công an, quân đội và địa phương tổ chức thực hiện 1.772 lượt kiểm tra, truy quét; tiến hành tiêu hủy tại rừng 296 lán trại, 22 hầm than, hầm vàng, phá hủy 76 máy móc các loại, đưa ra khỏi rừng trên 420 đối tượng vào rừng trái phép.
Hằng năm, thành phố đã thực hiện trên 200 lần về kiểm tra, giám sát tình hình vận chuyển, mua bán kinh doanh, chế biến trái phép các loại lâm sản, động vật hoang dã trên các tuyến giao thông trọng điểm. Qua 5 năm, 601 vụ vi phạm về quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản đã được phát hiện và xử lý hành chính; 12 vụ vi phạm pháp luật đã được khởi tố điều tra hình sự theo quy định của pháp luật.
Theo ông Trần Viết Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2011, thành phố đã tiến hành rà soát việc giao đất, giao rừng cho các tổ chức, cá nhân theo chính sách của Nhà nước. Triển khai các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ ngành lâm nghiệp, chú trọng điều tra cơ bản để hình thành cơ sở dữ liệu rừng.
Toàn thành phố hiện trồng được hơn 8.100 ha rừng tập trung, góp phần bảo vệ môi trường và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho gần 10.000 hộ gia đình đồng bào miền núi, hộ nghèo. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân hàng năm trên địa bàn Đà Nẵng đạt gần 103%/năm; độ che phủ rừng đạt mức 43,2%, đạt so với mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, năng suất chất lượng rừng trồng thấp nên chất lượng sản phẩm lâm nghiệp chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp; công tác quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp của địa phương chưa sát thực tế và thường xuyên bị phá vỡ; đồng thời, công thác giao đất, khoán đất quản lý chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Ngoài ra, công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ vào sản xuất lâm nghiệp còn đơn điệu, thiếu định hướng.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, thành phố phấn đấu nâng độ che phủ rừng lên trên 45% vào năm 2020, góp phần đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với BĐKH và nước biển dâng; đồng thời bảo tồn nguồn gen và tính đa dạng sinh học của rừng. Tạo khoảng 70.000 -100.000 việc làm thường xuyên, tăng thu nhập khoảng 20% so với năm 2015 cho người làm nghề rừng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, gắn với xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng cho người dân, các hộ kinh doanh sản xuất lâm nghiệp
Để thực hiện được mục tiêu đề ra, tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Phùng Tấn Viết yêu cầu các đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng cho người dân, các hộ kinh doanh sản xuất lâm nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tăng cường công tác quản lý quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp, trong đó chú trọng công tác kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích khác, xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai và việc mua bán đất lâm nghiệp trái phép kể cả đối với đất đã được giao cho đồng bào dân tộc; xây dựng chính sách ưu đãi khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết với người dân trong sản xuất lâm nghiệp.
Từ đầu năm đến nay, mực nước trên các sông ở Đà Nẵng thường xuyên bị nhiễm mặn, đặc biệt là sông Cầu Đỏ, độ mặn cao gấp 25 lần tiêu chuẩn, mực nước ở hồ thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia tiếp tục xuống thấp, dòng chảy về hạ lưu suy giảm, hạn hán, thiếu nước tưới và sinh hoạt tiếp tục diễn ra.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) thành phố Đà Nẵng, do tác động hiện tượng El Nino, mực nước các hồ chứa thủy điện đầu nguồn xuống thấp, hạn mặn diễn ra sớm, nguy cơ thiếu nước tưới và nước sinh hoạt vào mùa khô ở thành phố Đà Nẵng diễn ra gay gắt. Dự báo, mùa mưa năm nay đến sớm, lũ bão bất thường có thể xảy ra.
Trong khi đó, tàu thuyền của thành phố vẫn đang thiếu nơi neo đậu, âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà) chỉ đáp ứng nơi neo đậu cho gần một nửa số phương tiện của toàn thành phố, hiện đã quá tải, không đảm bảo an toàn cho phương tiện.
Ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNTcho biết, để chủ động đối phó với thiên tai, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã yêu cầu đơn vị, địa phương xây dựng kịch bản ứng phó theo từng cấp độ; đồng thời đề nghị thành phố sớm xây mới khu neo trú tàu thuyền để giảm tải cho âu thuyền hiện tại. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố tiếp tục triển khai kế hoạch tổ chức trực 24/24 nhằm theo dõi, đảm bảo việc tiếp nhận, xử lý thông tin, sẵn sàng ứng phó, khắc phục hậu quả sau thiên tai.
Thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về phòng chống thiên tai với phương châm “4 tại chỗ” đến các đơn vị, người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm hơn nữa trong việc chủ động tự phòng, tránh thiên tai an toàn, hiệu quả.
Bộ đội biên phòng thành phố ngoài việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan quản lý địa bàn; đảm bảo lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động tham gia tìm kiếm cứu nạn; duy trì thường xuyên mạng thông tin liên lạc biển, theo dõi diễn biến tình hình thời tiết cho ngư dân chủ động phòng tránh.
Ông Hòa cho biết thêm, Sở NN&PTNN thành phố sẽ phối hợp với công ty MTV khai thác thủy lợi, các đơn vị, địa phương có hồ chứa có kế hoạch kiểm tra, đánh giá an toàn các hồ chứa trên địa bàn; có biện pháp sữa chữa, nâng cấp, đảm bảo an toàn công trình đê, kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển trước mùa mùa mưa bão, đồng thời lên phương án sơ tán nhân dân vùng hạ du các hồ chứa nước. (UBND TP.Đà Nẵng)