Thứ sáu, 26-04-2024 3:17 PM

Tăng cường kiểm soát buôn bán trái phép động vật hoang dã

Theo kết quả thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 4.005 loài động, thực vật, thuộc 599 họ, bao gồm 2.713 loài thực vật và 1.292 loài động vật.

Hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới năm 2016 với chủ đề “Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta”, ngày 4/6, tại Vườn Quốc gia Bến En (huyện Như Thanh, Thanh Hóa) Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Vườn Quốc Gia Bến En đã tổ chức Hội thảo Kiểm soát buôn bán trái phép động vật hoang dã.

Đến dự có đại diện Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, đại diện lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa cùng đại diện lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, Chi cục kiểm lâm, Hạt kiểm lâm và đại diện các Vườn Quốc gia trên địa bàn.

Theo kết quả thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 4.005 loài động, thực vật thuộc 599 họ, bao gồm 2.713 loài thực vật và 1.292 loài động vật. Hiện, tại các rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh ngoài tính đa dạng về gen, đa dạng về các hệ sinh thái còn là nơi lưu giữ nhiều loài động, thực vật quý hiếm có tên trong sách Đỏ Việt Nam và thế giới.

Điển hình như quần thể Pơ mu, Sa mu hàng nghìn năm tuổi với diện tích trên 2.000 ha tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, các quần thể Thông pà cò, Dẻ tùng sọc hẹp, Dẻ tùng vân nam…

Mặc dù, nguồn tài nguyên của tỉnh Thanh Hóa rất phong phú và đa dạng, nhưng hiện chưa được quản lý, khai thác một cách có hiệu quả và bền vững dẫn đến suy giảm và suy thoái nghiêm trọng.

Nguyên nhân gây tổn thất đa dạng sinh học và suy giảm chất lượng ở một số hệ sinh thái điển hình tại tỉnh Thanh Hóa không nằm ngoài các nguyên nhân chung gây tổn thất đa dạng sinh học toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.

Đó là, do sự thay đổi trong thành phần hệ sinh thái, sự xâm hại của các loài ngoại lai có thể phá vỡ cân bằng sinh thái và làm suy giảm quần thể động, thực vật, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do các hoạt động của con người, cụ thể như: phá rừng quá mức, săn bắn trái phép, xây dựng các công trình thủy điện, khai thác gỗ…

Buổi hội thảo hướng đến mục tiêu truyền tải thông điệp của Ngày Môi trường thế giới năm nay, hướng con người tới các hành vi sống thân thiện với môi trường, giảm thiểu áp lực ngày càng gia tăng đối với các hệ sinh thái tự nhiên của trái đất.

Qua đó, huy động sự nỗ lực của toàn thể cộng đồng, trong việc ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã đã và đang làm suy kiệt tài nguyên đa dạng sinh học, đe dọa sự sống còn của các loài động, thực vật.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã nghe đại diện Cục Bảo tồn đa dạng sinh học phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật; công ước quốc tế có liên quan về bảo tồn các loài động vật hoang dã.

Đồng thời thảo luận nhiều nội dung liên quan đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ động vật hoang dã như: Tình trạng buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã tại Việt Nam và các giải pháp tăng cường thực thi pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã; công tác quản lý nhà nước về gây nuôi và bảo tồn động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh; một số giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát buôn bán động vật hoang dã tại Vườn Quốc gia Bến En; chia sẻ kinh nghiệm về những nỗ lực trong công tác tìm kiếm, phát hiện và bảo tồn loài Voọc xám Đông Dương, ở Khu bảo tồn Xuân Liên... (Dân Sinh)

Thống kê website

Lượt truy cập: 236360

Đang online: 6

Ngày hôm qua: 302