Bảo vệ động vật hoang dã tiếng gọi khẩn thiết của thiên nhiên
Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định, Chủ đề của ngày môi trường Thế giới (5/6) năm 2016 là “Tiếng gọi của thiên nhiên và hành động của chúng ta”, với mục tiêu nhằm khuyến khích mọi người quan tâm, bảo vệ tất cả các loài động thực vật đang bị đe dọa và có những hành động để bảo vệ chúng. Một trong những tiếng gọi ấy là bảo vệ động vật hoang dã, ngăn chặt việc săn bắt, vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã.
Bản phối cảnh tổng thể Quy hoạch Công viên động vật hoang dã
Ông Nguyễn Văn Dương, Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Động vật hoang dã ngoài các giá trị về thực phẩm và hàng hóa thì nhiều loài còn được sử dụng để làm vật thí nghiệm và sản suất ra những loại vaccin dùng trong việc phòng trừ bệnh cho con người; là nguồn nguyên liệu di truyền quý giá dùng để cải tiến nòi giống vật nuôi hiện có, để nâng cao sản lượng thu hoạch trong sản xuất nông - lâm; là thành phần chủ yếu của hệ sinh thái và có vai trò rất quan trọng trong sự điều hòa các chu trình vật chất và năng lượng của quả đất; có ý nghĩa quan trọng đối với việc giải trí và du lịch của con người sau thời gian làm việc mệt mỏi.
Tuy nhiên, tình trạng săn bắt trộm, vận chuyển buôn bán động vật hoang dã, đã và đang làm suy kiệt nguồn đa dạng sinh học quý giá và đe dọa sự sống còn của các giống loài quý hiếm như voi, tê giác, hổ... cũng như nhiều loại động, thực vật khác; tạo nên một làn sóng phản đối dữ dội trên toàn thế giới.
Ninh Bình vốn là tỉnh có 3 vùng sinh thái rõ rệt: Miền núi, đồng bằng và ven biển; lại là nơi được coi như cửa ngõ ra Bắc vào Nam... nên công tác ngăn chặn săn bắt, vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã luôn được chú trọng, quan tâm.
Chi cục Kiểm lâm đã thường xuyên, liên tục triển khai tuyên truyền phổ biến các văn bản liên quan đến việc quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đến tận cơ sở.
Đặc biệt thường xuyên tuyên truyền Chỉ thị số 01/2009/CT-UBND ngày 14/4/2009 của UNBD tỉnh Ninh Bình về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ chim hoang dã; Quyết định số 14/2010/QĐ-UBND ngày 28/6/2010 của UBND tỉnh về quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền lưu động, phát thanh, phóng sự truyền hình, tờ rơi, trên đài truyền thanh ba cấp.
Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn việc săn bắt, vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã. Từ năm 2015 đến nay, đã xử lý 17 vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã; trong đó có: 3 vụ phối hợp với phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về chức vụ và kinh tế; cảnh sát giao thông công an tỉnh Ninh Bình.
Tịch thu : 541,6 kg rắn các loại; 87,4 kg mai, yếm rùa các loại; 98 cá thể Vạc rạ đông lạnh; 665 cá thể Chim hoang dã. Chuyển giao cho Trung tâm cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật (Vườn quốc gia Cúc Phương): 4 cá thể Tê tê Java, 27 cá thể Rùa đầu to, 1 cá thể Baba gai. Thả về tự nhiên tại khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long 20 cá thể Rắn hổ mang chúa; khu bảo tồn Sao La – tỉnh Thừa thiên Huế 9 cá thể Tê tê Java.
Vận động các hộ gia đình nuôi trái phép 3 cá thể Khỉ, tự nguyện giao nộp cho cơ quan chức năng để chuyển giao cho trung tâm cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật ( Vườn quốc gia Cúc Phương).
Trong những năm gần đây, việc đăng ký gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có xu hướng giảm. Tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn toàn tỉnh có 1 trại và 439 cơ sở nuôi, với tổng số 75 loài/14.106 cá thể động vật hoang dã.
Chi cục đã thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các trại nuôi, cơ sở gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là những tụ điểm săn bắn, bẫy bắt, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép các loài động vật hoang dã và các sản phẩm của chúng.
Tổ chức thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở gây nuôi động vật hoang dã đối với những tổ chức, hộ gia đình và cá nhân không còn gây nuôi các loài động vật hoang dã.
Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương tổ chức kiểm tra các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh, phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm các quy định trong hoạt động nuôi nhốt động vật hoang dã, mặt khác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở, trại nuôi thực hiện đúng các quy định của nhà nước về quản lý động vật hoang dã.
Ông Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng cho biết: Mới đây, Chính phủ đã có quyết định phê duyệt dự án công viên động vật hoang dã với quy mô trên 1000 ha được xây dựng trên địa bàn xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan.
Việc hình thành Công viên động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh ngoài ý nghĩa về bảo tồn nguồn gen động vật hoang dã quý hiếm, đa dạng các loài động vật quý hiếm trên địa bàn... thì đây còn là địa điểm giáo dục cộng đồng kết hợp với du lịch sinh thái hấp dẫn và cũng là nơi cứu hộ các loài động vật hoang dã.
Công trình đã và đang được đầu tư xây dựng các hạng mục, cơ sở hạ tầng một cách khẩn trương để sớm đưa công viên vào hoạt động phục vụ cộng đồng. (Báo Ninh Bình)