Vất vả giữ rừng

Từ đầu năm đến nay, ở miền núi tuy chưa xảy ra vụ việc phá rừng nghiêm trọng, nhưng tài nguyên thiên nhiên vẫn tiếp tục bị xâm hại dưới nhiều hình thức.

Xâm canh rừng trái phép

Nhiều năm nay, vùng giáp ranh giữa địa bàn xã Phước Hiệp (Phước Sơn) với xã Hiệp Hòa (Hiệp Đức) nổi lên như “đại bản doanh” tàn sát rừng. Khu vực này được ngành nông nghiệp quy hoạch là rừng tự nhiên do UBND xã Phước Hiệp và Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn quản lý, nhưng hàng trăm héc ta đã biến thành rừng sản xuất.

Lợi dụng sự lơ là của lực lượng chức năng, người dân địa phương lén lút triệt hạ gỗ rừng, rồi đốt cháy lấn chiếm đất trồng cây. Lâm tặc chỉ đem ra ngoài số gỗ quý có đường kính lớn, còn loại cây nhỏ đều được phóng lửa phi tang. Cơ quan chức năng huyện Phước Sơn nhìn nhận, tình trạng xâm lấn rừng tự nhiên mở rộng diện tích canh tác ở vùng giáp ranh giữa xã Phước Hiệp và Hiệp Hòa dai dẳng nhiều năm. Khi phát hiện thì nhiều cánh rừng đã bị đốt cháy sém, hoặc trồng keo con.

Thống kê của UBND xã Phước Hiệp cho thấy, từ năm 2008 đến nay có gần 40 trường hợp xâm canh trồng keo, cao su, bời lời tại các tiểu khu giáp ranh với Hiệp Đức như 645, 646, 653… với diện tích lên đến hàng trăm héc ta. Rừng tự nhiên khu vực rừng giáp ranh giữa Phước Hiệp với Hiệp Hòa bị xâm hại chủ yếu tại các khoảnh 2, 4, 5, 6 thuộc tiểu khu 653. Tuy nhiên, do xử lý thiếu triệt để nên tình trạng xâm hại rừng vẫn dai dẳng.

Cơ quan kiểm lâm tỉnh thống kê, từ năm 2015 đến nay, đơn vị xử lý hơn 120 vụ phá rừng trái phép, với tổng diện tích bị thiệt hại hơn 273ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Phú Ninh, Phước Sơn. Nhiều đối tượng đầu nậu đất đã liên kết với người dân bản địa tàn phá, đốt rụi cánh rừng để lấy đất trồng keo và bán cho các đại gia lập trang trại.

Ngoài “điểm nóng” vùng giáp ranh, tình trạng phá rừng trọng điểm còn tập trung ở các diện tích rừng phòng hộ. Được giao quản lý diện tích khá lớn nhưng nhiều chủ rừng chưa quản lý tốt lâm phận, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hợp đồng khoán đối với diện tích rừng đã giao cho người dân quản lý bảo vệ theo chính sách chi trả môi trường rừng chưa thường xuyên nên còn xảy ra tình trạng phá rừng trên diện tích rừng đã nhận khoán bảo vệ.

Tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh thuộc 2 huyện Phước Sơn và Nam Giang trên diện tích đất có rừng chiếm 62.000ha (hơn 82% diện tích khu bảo tồn) thường xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản và lâm sản trái phép. Theo Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, từ năm 2015 đến nay phát hiện hơn 100 vụ liên quan đến phá rừng, mở đường trái phép trong rừng đặc dụng.

Các đối tượng khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản theo kiểu tận diệt, gây biến dạng địa hình núi sông, mất cân bằng hệ sinh thái, để lại nhiều hệ lụy xấu về môi trường. Nhiều tọa độ khu bảo tồn là cái ruột trống rỗng, hình thành vô số thung lũng sâu trong rừng đặc dụng.

Kiểm soát rừng

Thời gian qua, các Hạt Kiểm lâm Đông Giang, Đại Lộc, Nam Giang (Quảng Nam) và Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa (TP.Đà Nẵng) cùng ký kết quy ước phối hợp bảo vệ rừng vùng giáp ranh. Theo đó, lực lượng chức năng các địa phương giáp ranh đã thống nhất phương án cắm mốc lâm phận, nhằm làm rõ trách nhiệm của mỗi bên trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.  Từ năm  2015, các huyện Bắc Trà My, Nam Giang và Phước Sơn đã triển khai dự án bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng Quảng Nam.

Bước đầu các địa phương thực hiện rà soát quy hoạch sử dụng đất 4.850ha; xây dựng quy ước bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng; thành lập và ban hành quy chế hoạt động các ban quản lý rừng cộng đồng thôn tại các xã vùng dự án. Còn tại huyện Tây Giang, chính quyền đã xác lập một cơ chế bảo vệ rừng lim nằm giáp ranh với huyện Nam Giang và ở ngay khu vực thượng nguồn các hồ thủy điện trên tuyến sông Bung. Đây là nơi xảy ra nhiều vụ phá rừng có tổ chức, quy mô lớn, thách thức lực lượng kiểm lâm. Từ thực trạng này, các ngành liên quan của địa phương vào tận cội rừng để kiểm tra, đánh số, lập hồ sơ về quần thể lim.

Ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, kiểm lâm kiểm soát chặt các hoạt động săn bắn, buôn bán động vật hoang dã trên địa bàn; phân loại các vùng bảo vệ rừng ưu tiên để có kế hoạch cụ thể bảo tồn sinh thái một cách hữu hiệu; nâng cao nhận thức, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đẩy nhanh tiến độ giao đất giao rừng để gắn quyền lợi, trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng cho người dân.

Ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm của ngành là tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 17/2015/CT-UBND ngày 18.8.2015 của UBND tỉnh về việc tăng cường biện pháp kiểm tra, xử lý các hành vi phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái phép.

Giao trách nhiệm cụ thể cho các chủ rừng, gắn hoạt động kiểm tra, giám sát nhóm hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đồng thời triển khai truy quét địa bàn trọng điểm về phá rừng, khai thác lâm sản trái phép. “Phải gấp rút kiểm kê, kiểm soát rừng; điều chỉnh quy hoạch bảo vệ rừng đến năm 2020 cho phù hợp với thực tiễn từng địa phương” - ông Tuấn nói. (Báo Quảng Nam)

Thống kê website

Lượt truy cập: 309969

Đang online: 10

Ngày hôm qua: 197