LOÀI GIÁP XÁC THỦY SINH ĐỤC HẠI THÂN CÂY, THÁCH THỨC LỚN TRONG BẢO VỆ, PHÁT TRIỂN RỪNG NGẬP MẶN

          Tỉnh Hà Tĩnh là địa phương thứ ba ở nước ta sau Quảng Ngãi và Bình Định xuất hiện hiện tượng loài giáp xác thủy sinh đục hại thân cây rừng trồng ngập mặn.

Tính đến ngày 31/12/2019 diện tích trồng rừng ngập mặn của tỉnh Hà Tĩnh là 571,24 ha. Trong đó, công trình trồng rừng ngập mặn (RNM) mới loài cây bần chua (là diện tích đang bị loài sinh vật lạ gây hại) tại các xã: Thạch Môn, Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh với tổng diện tích 25ha được đầu tư bởi Dự án Quản lý nguồn nước tổng hợp và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu tại tỉnh Hà Tĩnh (IWMC), do Ban quản lý Đầu tư xây dựng Công trình dân dụng và Công nghiệp tỉnh (Ban quản lý dự án) làm Chủ đầu tư; từ nguồn tài trợ không hoàn lại của Chính phủ Vương quốc Bỉ và vốn đối ứng.

          Nguồn giống trồng rừng: Theo báo cáo của Ban QLDA đầu tư XDCT dân dụng và công nghiệp Hà Tĩnh giống cây được mua tại tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng, có hồ sơ rõ ràng.

Dự án trồng rừng được triển khai vào tháng 11/2018, hoàn thành trong tháng 12/2018. Sau khi trồng 2 - 3 tháng, cây sinh trưởng và phát triển tốt (cây đâm chồi, ra lá, tăng trưởng về chiều cao và đường kính gốc, tỷ lệ cây sống đạt trên 95%). Tuy nhiên, đến tháng 8/2019 trên diện tích trồng rừng bần chua của dự án bắt đầu xuất hiện hiện tượng cây bần chua bị sinh vật đục thân xâm hại. Cơ quan hữu quan của địa phương tiến hành điều tra trên cây bị hại phát hiện loài giáp xác đục phá thân cây làm nơi trú ngụ (trung bình một cây có từ 10 – 30 cá thể giáp xác gây hại), chúng đục ngang thân cây đoạn từ gốc sát mặt đất lên phía trên khoảng 10cm, làm ruỗng thân, đứt gãy ngang thân, dẫn đến cây chết hàng loạt. Cho đến nay Sở NN&PTNT Hà Tĩnh chưa tìm được giải pháp hữu hiệu để kiểm soát, ngăn chặn sự phá hoại của loài giáp xác nói trên.

Thực hiện nhiệm vụ Cục Kiểm lâm giao, ngày 18/8/2020 Chi cục Kiểm lâm vùng II đã tham gia, phối hợp với Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng Khu IV, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, Ban quản lý dự án trồng rừng ngập mặn tổ chức khảo sát, kiểm tra thực tế tại hiện trường, lấy mẫu sinh vật hại tại nhiều địa điểm khác nhau tại Công trình trồng rừng ngập mặn (cây bần chua) tại các xã: Thạch Môn, Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh. Qua khảo sát tại hiện trường Đoàn công tác đã giải phẫu thân cây bị hại và tìm thấy nhiều cá thể loài giáp xác thủy sinh trú ngụ trong các lỗ hình trụ trong thân cây do chính các sinh vật này đục.

Đặc điểm quan sát được bằng mắt thường: Con trưởng thành có màu nâu nhạt, vàng hoặc đen; thân dẹt, hình trứng dài đều; có nhiều đôi chân bằng nhau ở phần dưới cơ thể; thân được bao bọc lớp giáp cứng dạng tấm vảy xếp thành các lớp vòng bao quanh ngang trên lưng. Khi bị tác động loài này cuộn tròn lại như loài tê tê, nhỏ bằng hạt đậu xanh; bơi giỏi và có thể bò được bằng chân trên mặt bùn hoặc nền đất cứng; có thể tồn tại ở môi trường khô với nhiệt độ 30-35­0c trong thời gian hơn 24h, hiện tại một số con đang được nuôi thử trong môi trường ẩm ướt, không ngập nước, trong mẩu gỗ cây trang, để trong hộp nhựa, đến nay vẫn sống sau 07 ngày;

Quan sát dưới kính hiển vi: chiều dài thân trung bình từ 9-11 mm, chiều ngang trung bình từ 5-6 mm, con nhỏ nhất đo được qua kính hiển vi có chiều dài thân 2-3 mm, chiều ngang thân từ 1-1,5mm; trong mẫu kiểm tra có nhiều con có trứng, trung bình 50 trứng/cá thể.

Cách thức gây hại: Loài này đục rễ, thân cây ngập mặn như đước, mắm, vẹt, bần… thành các lỗ có đường kính 2 - 6mm, chiều sâu 20-70 mm làm nơi trú ẩn. Đa phần các lỗ đục có hướng dọc theo mạch gỗ trên rễ, thân cây. Các lỗ đục chủ yếu nằm ở phần gỗ của thân cây, không đục ở phần vỏ cây (trừ miệng lỗ). Quan sát mặt cắt ngang thân cây bị đục có hình ảnh như mặt sáp tổ ong; mặt cắt dọc thân cây bị hại có hình ảnh như mặt cắt dọc của tổ ong với nhiều tầng không rõ rệt các lỗ đục.

Qua quan sát bằng mắt thường tại hiện trường về hình thái loài gây hại, cách thức gây hại và các vết hại trên thân cây, nhận định loài giáp xác thủy sinh đục thân loài cây trồng RNM tại hiện trường khảo sát có thể là loài giáp xác chân đều Sphaeroma terebrans Bate, 1866, họ Sphaeromatidae, bộ chân đều Isopoda, lớp Malacostraca (loài giáp xác được mô tả qua một số tài liệu trên mạng).

Theo một số kết quả nghiên cứu đăng trên mạng internet cho thấy loài giáp xác Sphaeroma terebrans Bate ,1866 gây hại rộng rãi trên RNM ở nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới bao gồm Úc, Sri Lanka, Đông Phi, Nam Phi, Costa Rica, Brazil và các vùng vịnh của Hoa Kỳ ..v.v. Loài giáp xác này có biên độ sinh thái rộng, thường gây hại cho các loài cây thuộc chi Đước (Rhizophora) ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Sinh vật này cũng được phát hiện gây hại trên cây đước tại Trung Quốc vào năm 2016.

Ở Việt Nam, Loài Sphaeroma terebrans Bate, 1866 cũng được Baratti (2005) ghi nhận sự phân bố ở dọc bờ biển của Việt Nam. Tháng 4 năm 2017, Phạm Quang Thu phát hiện loài giáp xác này xuất hiện và đục rễ, thân cây Đước và một số loại cây ngập mặn khác tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi (Phạm Quang Thu, 2017) với mức độ thiệt hại hơn 60% diện tích. Đến tháng 11 năm 2017, Trịnh Văn Hạnh và cộng sự phát hiện loài này hại cây Bần trắng (Sonneratia alba J. Smith, 1816) trên 3 tuổi với diện tích gây hại trên 10ha tại khu vực đầm Thị Nại, tỉnh Bình Định.

Phạm Quang Thu (2017) chỉ ra rằng cây ngập mặn ở vùng ngập triều thấp bị gây hại ít hơn. Khi trồng cây trên các vùng có thời gian ngập triều lâu, tảo và rêu mọc nhiều, cây ngập mặn sinh trưởng và phát triển kém, S. terebrans sinh trưởng mạnh, dẫn đến cây bị hại nặng.

Khả năng lây lan và sức tàn phá của loài sinh vật này rất lớn, gây hậu quả nghiêm trọng. Chúng có thể hủy hoại 100% cây trồng non trên các diện tích RNM mới trồng. Chúng cũng gây hại trên thân cây ngập mặn lâu năm dẫn đến chết một số cây hoặc đục ruỗng thân cây làm chậm sinh trưởng, giảm phẩm cấp cây và nguy cơ cao cây bị đổ gãy khi gặp gió bão.

Cho đến nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam chưa tìm thấy tài liệu, công trình nghiên cứu nào đưa ra giải pháp phòng, trừ hữu hiệu loài sinh vật gây hại này. Đây là một thách thức lớn trong công cuộc bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ở nước ta cũng như trên thế giới.

                                                                                                       (BT: NV2)

Một số hình ảnh về loài giáp xác gây hại RNM ở Hà Tĩnh


 

 

 

 

Thống kê website

Lượt truy cập: 321331

Đang online: 3

Ngày hôm qua: 457