Nắng nóng như thiêu đốt: Đưa thiết bị máy bay không người lái để giám sát cháy rừng

Ông Lê Duy Hượng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng II (Cục Kiểm lâm) cho biết, năm nay công tác phòng cháy, chữa cháy rừng có điểm mới là đơn vị được Cục Kiểm lâm hỗ trợ ứng dụng hệ thống thiết bị bay không người lái (flycam) trong công tác chỉ huy chữa cháy rừng, xác định thiệt hại sau cháy.

Chi cục Kiểm lâm vùng II hiện đang quản lý 3.450.074 ha rừng trên địa bàn 12 tỉnh, gồm Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình và 6 tỉnh Bắc Trung bộ. Trong đó, có khoảng 1/3 diện tích rừng có nguy cơ cháy rừng cao, chủ yếu là diện tích rừng trồng bạch đàn, các loài keo, thông, tre nứa.

Ứng dụng thiết bị bay để chỉ huy chữa cháy rừng - Ảnh 1.

Theo dõi điểm cháy từ ảnh vệ tinh của Cục Kiểm lâm

Ngoài ra, còn có phần diện tích chưa có rừng có nguy cơ cháy cao, gồm các trạng thái thực bì cỏ tranh, lau lách, ràng ràng, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Bắc Trung bộ, Hòa Bình và thành phố Hà Nội.

Nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng cao

Ông Lê Duy Hượng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng II cho biết, khu vực các tỉnh Bắc Trung bộ, mùa cháy rừng từ tháng 4 đến hết tháng 9, cao điểm là các tháng 6 đến tháng 8.

Ứng dụng thiết bị bay để chỉ huy chữa cháy rừng - Ảnh 2.

Chi cục Kiểm lâm vùng II sẵn sàng lực lượng ứng cữu chữa cháy rừng

Thời kỳ này, thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài từng đợt 10 - 20 ngày không có mưa, cá biệt có đợt đến 30 ngày không mưa, nhiệt độ ngày có thể đạt trên 40oC (có khi đến 430C), độ ẩm dưới 40% (có khi xuống 30%), hạn hán xảy ra nghiêm trọng, kết hợp với gió Tây Nam khô nóng nguy cơ xảy ra cháy rừng và cháy lớn rất cao.

"Trong những ngày nắng nóng, dự báo cấp cháy rừng ở cấp IV (cấp nguy hiểm), cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), nghiêm cấm mọi hành vi sử dụng lửa trong, gần rừng và đốt, xử lý thực bì trồng rừng, đốt nương làm rẫy."

------Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT)------

"Năm nay nắng rất gắt, tại khu vực Bắc Trung bộ gần 5 ngày không có mưa. Nắng nóng kéo dài kết hợp với gió Tây Nam khô nóng làm thảm thực bì khô nỏ nên nguy cơ cháy rừng xảy ra rất cao" – ông Hượng thông tin.

Để giảm thiểu tối đa cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng, ông Hượng cho rằng, trong thời kỳ cao điểm cháy rừng cần tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân tuyệt đối không được xử lý thực bì, đốt nương làm rẫy.

Đồng thời, chính quyền các cấp tổ chức canh gác không để người dân ra, vào rừng. Đây là giải pháp rất hữu hiệu để ngăn chặn cháy rừng trong những ngày nắng nóng kéo dài.

"Trong những ngày nắng nóng, dự báo cấp cháy rừng ở cấp IV (cấp nguy hiểm), cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), nghiêm cấm mọi hành vi sử dụng lửa trong, gần rừng và đốt, xử lý thực bì trồng rừng, đốt nương làm rẫy"- ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) nhấn mạnh.

Sẵn sàng hỗ trợ địa phương chữa cháy rừng

Trong thời kỳ cao điểm, khi cấp dự báo nguy cơ cháy rừng từ cấp IV trở lên, Chi cục Kiểm lâm vùng II tổ chức thường trực sẵn sàng lực lượng, phương tiện, thiết bị hỗ trợ các địa phương ứng cứu chữa cháy rừng 24/24h.

Ứng dụng thiết bị bay để chỉ huy chữa cháy rừng - Ảnh 4.

Sẵn sàng máy, thiết bị ứng cữu chữa cháy rừng

Ứng dụng thiết bị bay để chỉ huy chữa cháy rừng - Ảnh 5.

Bảo dưỡng máy, thiết bị đảm bảo hoạt động tốt

Đồng thời, đôn đốc Ban chỉ đạo các cấp ở địa phương thường trực chỉ đạo, tăng cường các biện pháp kiểm tra, tuần tra canh gác, kịp thời phát hiện cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ nguồn lửa vào rừng.

Theo ông Hượng, ngay từ đầu năm 2021, Chi cục Kiểm lâm vùng II đã triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Thời kỳ cao điểm cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm vùng II luôn sẵn sàng, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, máy, thiết bị tham gia ứng cứu, hỗ trợ địa phương khi cháy rừng vượt tầm kiểm soát của địa phương.

Ứng dụng thiết bị bay để chỉ huy chữa cháy rừng - Ảnh 6.

Phối hợp Chi cục Kiểm lâm các tỉnh kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng của chủ rừng

Ứng dụng thiết bị bay để chỉ huy chữa cháy rừng - Ảnh 7.

Tập huấn, huấn luyện sử dụng máy, thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng Kiểm lâm trong khu vực

Theo phương án, Chi cục Kiểm lâm vùng II đang tăng cường 3 tổ: một tổ tại đơn vị; một tổ đặt tại Hà Tĩnh - hỗ trợ các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An; một tổ đặt tại Thừa Thiên Huế, hỗ trợ cho Quảng Trị và Huế. Nhiệm vụ của các tổ là hỗ trợ công tác chữa cháy cho các địa phương, nắm bắt, tổng hợp tình hình về công tác phòng, chữa cháy rừng.

Đối với địa điểm thường trực tại Cơ quan luôn thường trực 50% lực lượng cơ động của đơn vị để sẵn sàng tham gia chữa cháy hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu và lệnh của Cục Kiểm lâm.

Trên cơ sở mùa cháy của các khu vực khác nhau trong vùng, Chi cục Kiểm lâm vùng II tổ chức dự báo nguy cơ cháy rừng cho các tỉnh trong vùng cho từng khu vực theo ngày trong tuần, đồng thời bổ sung cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng hàng ngày trên Website Cục Kiểm lâm.

Thông tin cấp dự báo cháy rừng được thực hiện khi dự báo nguy cơ cháy rừng từ cấp III trở lên, được Chi cục thông báo trên website: kiemlamvung2.org.vn và gửi qua thư điện tử đến Chi cục Kiểm lâm các tỉnh.

Trên cơ sở điểm cháy từ ảnh vệ tinh của Cục Kiểm lâm, Chi cục cập nhật thông tin điểm cháy, thông báo, đôn đốc các địa phương kiểm tra, xác minh và tổ chức kiểm tra, xác nhận thông tin báo cáo của địa phương để cập nhật nắm bắt tình hình, đồng thời báo cáo Cục Kiểm lâm.

Về trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng, ông Hượng cho biết, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được đầu tư mới, nhiều tính năng, tác dụng để khai thác tối đa, vận dụng có hiệu quả, an toàn trong thực tiễn.

Ứng dụng thiết bị bay để chỉ huy chữa cháy rừng - Ảnh 8.

Tập huấn kỹ năng sử dụng thiết bị bay không người lái

Đặc biệt, năm nay Cục Kiểm lâm đã trang bị cho Chi cục Kiểm lâm vùng II 2 hệ thống thiết bị bay không người lái trong công tác chỉ huy chữa cháy rừng, xác định thiệt hại sau cháy.

Việc sử dụng hệ thống thiết bị bay không người lái kết nối với điện thoại, khi xảy ra cháy rừng sẽ bao quát hết được đám cháy để có phương án xử lý chữa cháy sát thực tế mang lại hiệu quả cao.

"Khi đám cháy xảy ra, mình đứng một nơi, không bao quát được. Lúc đó, mình có thể sử dụng phương tiện này bay lên để xem bao quát toàn bộ quy mô, hướng cháy, hướng gió, địa hình, địa thế như thế nào và kết hợp với bản đồ để mình đề xuất phương án tiếp cận, xử lý đám cháy hiệu quả nhất" – ông Hượng nói.

Chi cục Kiểm lâm vùng II là đơn vị trực thuộc Cục Kiểm lâm, thực hiện chức năng tham mưu giúp Cục trưởng Cục Kiểm lâm về quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về lâm nghiệp, địa bàn hoạt động trên phạm vi 12 tỉnh, gồm Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình và 6 tỉnh Bắc Trung bộ.

Địa bàn phụ trách của đơn vị có diện tích tự nhiên là 6.473.888 ha (chiếm 19,56% so với toàn quốc). Diện tích có rừng là 3.450.074 ha (chiếm 23,51% so với toàn quốc), rừng tự nhiên là 2.382.083 ha, rừng trồng là 1.067.991 ha; độ che phủ là 49,98%.

Nguồn: danviet.vn 

Thống kê website

Lượt truy cập: 320602

Đang online: 9

Ngày hôm qua: 189