CHI CỤC KIỂM LÂM VÙNG II TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ BẢO VỆ RỪNG, PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY RỪNG (PCCCR)

          Trong không khí lực lượng Kiểm lâm toàn quốc đang nỗ lực thi đua, lao động lập nhiều thành tích thiết thực, hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam (21/5/1973 – 21/5/2023). Những ngày này, Chi cục Kiểm lâm vùng II (Chi cục) đã có nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thành lập lực lượng, một dấu mốc ý nghĩa, quan trọng để chúng ta tri ân và ôn lại trang sử hào hùng của Lực lượng Kiểm lâm Việt Nam. Đồng thời, cũng là cơ hội để toàn thể công chức, viên chức của Chi cục cùng nhau ôn lại quá trình hình thành và phát triển của đơn vị, không ngừng phấn đấu, đổi mới hoạt động, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị.

          I. CHI CỤC KIỂM LÂM VÙNG II QUA CÁC THỜI KỲ

          Tiền thân của Chi cục Kiểm lâm vùng II là Trung tâm Kỹ thuật bảo vệ rừng số II được thành lập theo Quyết định số 83/TCCB, ngày 18/02/1987 của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT). Trên mỗi chặng đường phát triển Chi cục đã vượt lên muôn vàn khó khăn, thử thách và có nhiều đóng góp tích cực đối với sự nghiệp quản lý bảo vệ rừng; đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ ghi nhận, trao tặng nhiều danh hiệu cao quý.

          Sự ra đời Chi cục đánh dấu một bước phát triển mới của đơn vị, thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với công tác bảo vệ rừng. Chi cục cùng với lực lượng Kiểm lâm cả nước tiếp tục được kiện toàn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ và không ngừng phát huy vai trò nòng cốt của mình để hoàn thành những nhiệm vụ trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao cho. Đã triển khai hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ trọng tâm, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng chung của ngành, cụ thể: Tổ chức tập huấn, huấn luyện cho hàng nghìn lượt người về nghiệp vụ công tác quản lý BVR&PCCCR, tham gia, hỗ trợ, ứng cứu nhiều vụ chữa cháy rừng lớn tại các tỉnh Kon Tum, Bình Định, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Nội, Lào Cai, Sơn La…, hỗ trợ các địa phương, tổ chức diệt trừ hàng chục nghìn ha sâu bệnh hại rừng tại các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ đến Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam…; tổ chức dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; tăng cường phối hợp thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra; xác minh thông tin, điểm nóng, tụ điểm phá rừng, buôn bán vận chuyển lâm sản trái phép; phối hợp tuần tra truy quét, hỗ trợ các địa phương, chủ rừng chủ động làm tốt công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

          Một chặng đường lịch sử, Chi cục có 3 lần đổi tên, bổ sung chức năng nhiệm vụ, trải qua 2 giai đoạn: giai đoạn đầu (1987 - 2002), trực thuộc Bộ Lâm nghiệp nay là Bộ NN&PTNT, giai đoạn từ 2002 đến nay trực thuộc Cục Kiểm lâm. Tên gọi Trung tâm Kỹ thuật bảo vệ rừng số II (1987-2007); Cơ quan Kiểm lâm vùng II (2007-2010); Kiểm lâm vùng II (2010-2014); Chi cục Kiểm lâm vùng II (2014-nay). Trải qua thời gian với nhiều tên gọi khác nhau trong từng thời kỳ lịch sử phát triển của đất nước, tuy nhiên nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR vẫn luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt hành trình phát triển của Chi cục.

          II. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH VỀ CÔNG TÁC QLBVR&PCCCR TRÊN ĐỊA BÀN

          Hiện nay, Chi cục có địa bàn hoạt động bao gồm 12 tỉnh, thành phố: Thành phố Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên Huế; với diện tích tự nhiên là 6.465.412 ha (chiếm 19,51% so với diện tích tự nhiên của toàn quốc). Trong đó, diện tích có rừng là 3.458.140 ha (chiếm 23,45% so với diện tích có rừng của toàn quốc), rừng tự nhiên 2.378.095 ha, rừng trồng 1.080.046 ha; độ che phủ của các tỉnh trong vùng là 50%.

          Mặc dù địa bàn quản lý rộng, nằm trên nhiều tỉnh có địa hình phức tạp, hầu hết các tỉnh, thành trong vùng chịu tác động rất lớn của các hiện tượng thời tiết cực đoan (bão, lũ, hạn hán, rét đậm rét hại ...), nhiều tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, phụ thuộc nhiều vào tài nguyên rừng, các đối tượng vi phạm pháp luật ngày càng tinh vi, liều lĩnh và manh động; việc tranh chấp rừng và đất lâm nghiệp vẫn còn xảy ra ở các vùng giáp ranh ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý bảo vệ rừng...Từ khi thành lập cho đến nay, Cấp ủy, Ban lãnh đạo và công chức, viên chức, người lao động của Chi cục luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp và sự phối hợp chặt chẽ của Chi cục Kiểm lâm 12 tỉnh, thành phố. Vì vậy, an ninh rừng luôn được giữ vững, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, độ che phủ rừng trên địa bàn liên tục tăng: Giai đoạn 2013 -2017, diện tích rừng tăng 213.014 ha (năm 2013 là 3.208.779 ha, năm 2017 là 3.421.793 ha), độ che phủ rừng tăng 2% (năm 2013 là 47,49%, năm 2017 là 49,49 %); giai đoạn 2017 -2022 diện tích rừng tăng 26.347 ha (năm 2022 là 3.448.140 ha), độ che phủ rừng tăng 0,51% (năm 2017 là 49,49%, năm 2022 là 50%).

          III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ TRỌNG TÂM

          1. Công tác tham mưu giúp Cục trưởng Cục Kiểm lâm

          Thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Chi cục đã tham mưu kịp thời giúp Cục trưởng Cục Kiểm lâm ban hành nhiều văn bản kiểm tra, chỉ đạo giải quyết các vụ việc nổi cộm về BVR, QLR và PCCCR trên địa bàn. Đồng thời ban hành các văn bản theo thẩm quyền đề nghị và yêu cầu Chi cục Kiểm lâm các tỉnh phối hợp, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp và Bộ NN&PTNT; các văn bản yêu cầu và đề nghị về kiểm tra, xác minh, xử lý,... các vụ việc vi phạm các quy định về công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn. Qua đó đã tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về bảo vệ rừng, phát triển rừng, PCCCR và quản lý lâm sản trên địa bàn, góp phần tích cực vào thành tích chung của lực lượng Kiểm lâm cả nước.

          2. Công tác bảo vệ rừng, PCCCR

 

          Hàng năm, tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ công tác BVR&PCCCR tại các tỉnh trong khu vực; tổ chức các đợt kiểm tra đột xuất đến các địa bàn có điểm nóng, phức tạp về công tác quản lý bảo vệ rừng,.. Ngoài ra, tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành của Tổng cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm và các cơ quan thẩm quyền liên quan. Trong quá trình kiểm tra, Chi cục đã kịp thời nắm bắt tình hình, những thuận lợi, khó khăn trong công tác QLBVR của các địa phương, tham mưu cho Lãnh đạo Cục Kiểm lâm trong việc hướng dẫn, chỉ đạo triển khai hiệu quả công tác BVR&PCCCR rừng trên địa bàn được phân công.

          Nhờ vào việc thực thi nghiêm minh pháp luật Lâm nghiệp, nên diện tích thiệt hại và số vụ vi phạm ngày càng giảm dần, trong 10 năm qua số vụ vi phạm về bảo vệ rừng giảm 3.250 vụ so với cùng kỳ (giảm 63%). Có được kết quả như trên, hàng năm Chi cục đã chủ động xây dựng Phương án, Kế hoạch triển khai thực hiện công tác QLBVR&PCCCR, cụ thể: Thường trực huy động lực lượng tham gia BVR&PCCCR; duy trì công tác dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng hàng ngày. Thông báo trên 3.000 bản tin cấp dự báo nguy cơ cháy rừng tới 12 Chi cục Kiểm lâm trên địa bàn khi dự báo cháy rừng hàng ngày từ cấp III trở lên; theo dõi trên 3.200 điểm cháy từ vệ tinh trên Website của Cục Kiểm lâm, đề nghị Chi cục Kiểm lâm các tỉnh kiểm tra, xác minh, nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời các vụ cháy rừng trên địa bàn khi mới xuất hiện; tổ chức trên 100 cuộc kiểm tra, đôn đốc về công tác quản lý QLBVR, PCCCR và phát triển rừng,...; thường trực về lực lượng, phương tiện, thiết bị chuyên dùng: Chi cục luôn chủ động trong việc tổ chức tập luyện nâng cao kĩ năng quản lý, sử dụng, phương tiện, thiết bị, dụng cụ PCCCR; thường trực 24/24 giờ theo dõi phát hiện sớm lửa rừng, sẵn sàng tham gia ứng cứu, hỗ trợ chữa cháy rừng khi xảy ra cháy lớn vượt quá tầm kiểm soát của địa phương, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản và tài nguyên, sinh thái rừng. Từ năm 2013 đến nay, đơn vị triển khai 45 tổ công tác (225 lượt người), tăng cường trên 1.100 phương tiện, thiết bị ứng trực PCCCR hỗ trợ cho các tỉnh, Vườn quốc gia có vùng trọng điểm cháy rừng trên địa bàn; tham gia trực tiếp 50 vụ chữa cháy rừng, được Chủ tịch UBND các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Kon Tum, Lào Cai và Bộ Công an tặng Bằng khen cho tập thể Chi cục và các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCCCR.

            3. Công tác quản lý rừng

           Với vai trò là cánh tay nối dài của Cục Kiểm lâm, là cầu nối giữa Chi cục Kiểm lâm các tỉnh trong vùng với Cục Kiểm lâm, Chi cục đã tích cực triển khai các văn bản quy phạm pháp luật cũng như những văn bản chỉ đạo của Bộ, ngành về công tác quản lý rừng trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc và hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện theo dõi, cập nhật diễn biến rừng bằng phần mềm FRMS và công bố hiện trạng rừng hàng năm theo quy định; hỗ trợ tập huấn, bố trí cán bộ thường trực hỗ trợ kỹ thuật và kỹ năng sử dụng phần mềm FRMS, đặc biệt trong giai đoạn nâng cấp, cải tiến phần mềm, rà soát, tổng hợp ý kiến góp ý, chỉnh sửa, nâng cấp phần mềm về đơn vị tư vấn hoàn thiện.

          Để làm tốt công tác quản lý rừng, trong thời gian qua Chi cục đã và đang tiến hành rà soát biến động rừng tự nhiên trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố (thực hiện Văn bản số 322/KL-QLR ngày 18/8/2022 của Cục Kiểm lâm về việc thực hiện theo dõi diễn biến rừng), phối hợp kiểm tra, chuyển giao kết quả rà soát đến địa phương xác minh, cập nhật biến động theo quy định. Trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Chi cục tiếp tục duy trì việc rà soát phát hiện sớm biến động rừng nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng mất rừng trái pháp luật trên địa bàn; tăng cường giám sát chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác ngoài lâm nghiệp.

          5. Về đấu tranh ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật

          Chi cục đã tích cực phối hợp, hỗ trợ các Chi cục Kiểm lâm địa phương, Vườn quốc gia, BQL Khu BTTN, Rừng phòng hộ và các chủ rừng khác kiểm tra, xác minh hơn 650 lượt thông tin báo chí phản ánh trên các kênh thông tin đại chúng về tình hình vi phạm luật BVR&PTR; 175 đợt nắm tình hình kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, xử lý các trọng điểm, tụ điểm về phá rừng, khai thác, mua bán, cất giữ, chế biến, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; 110 đợt phối hợp tuần tra, truy quét.. Qua các đợt phối hợp kiểm tra, truy quét đã giúp địa phương đánh giá lại công tác QLBVR trên địa bàn.

          6. Thực hiện quy chế phối hp trong công tác QLBVR&PCCCR, quản lý lâm sản và phát triển sản xuất lâm nghiệp

          Quy chế phối hợp giữa Chi cục và các đơn vị trong vùng được duy trì theo giai đoạn (năm 2015, ký quy chế phối hợp với Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố trong khu vực giai đoạn 2016-2020; năm 2020, ký quy chế phối hợp giai đoạn 2021-2025). Sau khi quy chế phối hợp được ký kết, Chi cục và Chi cục Kiểm lâm các tỉnh đã triển khai đến các đơn vị trực thuộc để xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện; tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện tốt những nội dung phối hợp; đồng thời tiếp tục xây dựng, củng cố mạng lưới trao đổi thông tin giữa các bên. Từ đó, các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực Lâm nghiệp được phát hiện kịp thời, thông tin nhanh chóng đến mỗi đơn vị, cá nhân để ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại và xử lý các vụ việc theo quy định của pháp luật; các bên tham gia đã hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ như: kiểm tra, thanh tra, xử lý thông tin của dư luận, truyền thông, báo chí về công tác bảo vệ rừng; hỗ trợ công tác tập huấn nghiệp vụ; công tác theo dõi cập nhật diễn biến rừng; dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, tăng cường ứng trực, thường trực thiết bị, phương tiện PCCCR tại địa phương… đã góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao của mỗi đơn vị.

          7. Ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ và bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ.

          Việc ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ (Phần mềm FMRS; Google Map engine; phát hiện sớm cháy rừng qua ảnh vệ tinh, Zoom, TeamViewer, Face group, ...) luôn được Chi cục quan tâm ứng dụng, thông qua tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực QLBVR&PCCCR cho lực lượng Kiểm lâm, lực lượng chuyên trách BVR của chủ rừng, lực lượng BVR cơ sở ở địa phương đã góp phần nâng cao nghiệp vụ kiểm soát tình trạng phá rừng, mất rừng; dự báo, cảnh báo cháy rừng, kiểm soát hiệu quả nguy cơ cháy rừng. Công tác bồi dưỡng, tập huấn luôn có sự  hỗ trợ từ Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp, Văn phòng BCĐNN về Chương trình mục tiêu PTLNBV giai đoạn 2016-2020 và thực hiện REDD+; Dự án JICA2; UN-REDD+; Trung tâm Khuyến nông quốc gia, ...; sự phối hợp chặt chẽ của Chi cục Kiểm lâm địa phương, trong 10 năm qua đã tổ chức hơn 110 lớp tập huấn với hơn 5.400 lượt người tham gia với các chương trình tập huấn, huấn luyện nâng cao năng lực trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu về thực thi pháp luật, năng lực QLBVR&PCCCR.

          8. Công tác tuyên truyền

          Công tác tuyên truyền ngày càng thể hiện vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng, đóng góp to lớn vào quá trình phát triển bền vững ngành Lâm nghiệp; đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của quần chúng, nhân dân, từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật, đấu tranh với những biểu hiện, hành vi vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp. Trong quá trình thực hiện, Chi cục đã phối hợp chặt chẽ với Cấp ủy, Chính quyền địa phương, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, các Chủ rừng trên địa bàn đã xây dựng 10 Băng hình, âm thanh tuyên truyền phù hợp với vùng miền; Tổ chức họp dân (thôn, bản) hơn 30 cuộc; tuyên truyền lưu động trên 130 xã, thị trấn nằm trong vùng lõi, vùng đệm của các Vườn quốc gia,  các Khu BTTN và các Chủ rừng nhà nước trên địa bàn; In, phát hơn 1.500 Poster; 14.000 Tờ rơi và nhiều Pano, áp phích khác; 200 tin, bài, hình ảnh, video đăng tải trên Website của Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp và của Chi cục để lan tỏa mô hình, gương điển hình tiên tiến trong công tác QLBVR&PCCCR.

          9. Các lĩnh vực công tác khác

          Bên cạnh việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, cấp uỷ, lãnh đạo cơ quan đã luôn quan tâm chăm lo nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần cho công chức, viên chức và người lao động; trụ sở, trang thiết bị làm việc ngày càng khang trang, hiện đại; tập thể đơn vị, các tổ chức đoàn thể trong đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xây dựng khối đoàn kết thống nhất, xây dựng tập thể ngày càng vững mạnh.

          IV. BÀI HỌC KINH NGHIỆM

          Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao trong suốt quá trình thành lập đến nay, Chi cục đã tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó việc kiện toàn tổ chức bộ máy, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quy chế phối hợp, quy chế làm việc với các đơn vị trong vùng; tăng cường cán bộ xuống địa bàn nắm bắt thông tin là một trong những giải pháp hàng đầu để đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

          - Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật Lâm nghiệp như: Luật Lâm nghiệp, Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư, Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021, Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 05/8/2021, Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022, Quyết định số 177/QĐ- TTg ngày 10/02/2022; ... các Văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Cục Kiểm lâm, Cục Lâm nghiệp; chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch, đề xuất phương án, giải pháp thực hiện; thường xuyên bám sát địa bàn, nắm bắt thông tin, diễn biến tình hình, chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ.

          - Xây dựng, tổ chức thực hiện có hiệu quả Phương án BVR&PCCCR hàng năm trên địa bàn. Chủ động phối hợp với các Chi cục Kiểm lâm trong vùng triển khai quy chế phối hợp trong công tác QLBVR và quản lý lâm sản.

          - Tăng cường cán bộ bám sát địa bàn, những điểm nóng về phá rừng, cháy rừng, tình hình giao đất, giao rừng, cho thuê rừng, tình hình vi phạm các quy định của pháp luật trong công tác BVR; chủ động nắm bắt tình hình; thông tin, kiểm tra, xác minh, báo cáo về Cục Kiểm lâm đề xuất giải pháp.

          - Tổ chức lực lượng thường trực 24/24 giờ trong suốt thời kỳ cao điểm cháy rừng; thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến để phát hiện sớm các vụ cháy rừng, có phương án, tăng cường thường trực, ứng trực hỗ trợ lực lượng, phương tiện, thiết bị cho các vùng trọng điểm về công tác BVR&PCCCR.

          - Chú trọng công tác học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, trình độ lý luận, cử cán bộ tham gia các khoá đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn; các chương trình quản lý, bồi dưỡng nghiệp vụ, từng bước nâng cao chất lượng cán bộ, hiệu quả công tác.

          - Quan tâm chăm lo đời sống của cán bộ, nhân viên cơ quan. Xác định đây là nội dung quan trọng, Cấp uỷ, Lãnh đạo Chi cục luôn chú trọng nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, tạo thuận lợi để mọi người yên tâm công tác, tận tâm, tận lực với công việc được giao.

          Phát huy truyền thống tốt đẹp đã có, từng bước đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện mới, đòi hỏi cán bộ công chức, viên chức Chi cục phải thực sự đổi mới hoạt động, tranh thủ sự chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự lãnh đạo của Bộ Nông nghiệp&PTNT, mà trực tiếp là của Cục Kiểm lâm; đồng thời phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các ngành liên quan, lực lượng Kiểm lâm trong vùng; không ngừng rèn luyện phẩm chất và năng lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin yêu, sự kỳ vọng của các cấp quản lý và Cục Kiểm lâm./.

                                                                                                                                          Thanh Hóa, ngày 14 tháng 3 năm 2023

                                                                                                                                                 CHI CỤC KIỂM LÂM VÙNG II

Thống kê website

Lượt truy cập: 294818

Đang online: 5

Ngày hôm qua: 358