Kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế

         Thực hiện Công điện số 2547/CĐ-BNN-TCLN ngày 24/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công văn số 172/KL-QLR ngày 14/5/2023 của Cục Kiểm lâm về việc tăng cường công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Ngày 08/5/2023, Chi cục Kiểm lâm vùng II làm việc với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế để nắm bắt tình triển khai thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2023 theo Chương trình công tác năm 2023 của Chi cục Kiểm lâm vùng II.

          Tham dự buổi làm việc có đồng chí Lê Ngọc Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng chí Nguyễn Bá Thanh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng II và các thành viên Phòng nghiệp vụ. Đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế đã báo cáo kết quả công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2022 và 05 tháng đầu năm 2023. Đoàn công tác của Chi cục Kiểm lâm vùng II đã ghi nhận kết quả đạt được của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên trong thời gian qua.

          Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm, tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 305.560,09 ha đất có rừng, trong đó rừng tự nhiên: 205.602,31 ha; rừng trồng đã thành rừng 77.148,32 ha, diện tích đã trồng chưa đạt tiêu chí thành rừng: 22.809,46 ha; tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 57,15%. Diện tích rừng dễ cháy trên địa bàn chủ yếu là rừng trồng với tổng diện tích hơn 77.000 ha được phân bố tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh, khu vực trọng điểm cháy được xác định là nơi có diện tích rừng trồng Thông tập trung tại địa bàn các huyện/thị xã: Phong Điền, Phú Lộc, Hương Trà, Hương Thủy và thành phố Huế. Trên địa bàn tỉnh được xác định 5 vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy lan, cháy lớn theo phương án huy động lực lượng khi xảy ra cháy lớn (Vùng 1: Bắc Hải Vân - Phú Lộc, từ thị trấn Phú Lộc đến thị trấn Lăng Cô; Vùng 2: Hương Thủy - Tây Nam thành phố Huế; Vùng 3: Hương Trà và Quốc lộ 49 nằm trên địa bàn thị xã Hương Trà; Vùng 4: A Lưới và tuyến Quốc lộ 49 nằm trên địa bàn huyện A Lưới; Vùng 5: Phong Điền - Quảng Điền).

          Để chủ động các biện pháp bảo vệ rừng, tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng có quy mô lớn, phức tạp; hạn chế tối đa số vụ cháy và thiệt hại do cháy rừng gây ra trong năm 2023, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế chủ động triển khai nhiều giải pháp trong công tác chỉ đạo điều hành để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng như:

          Chi cục Kiểm lâm các tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh ban hành 11 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công BVR, PCCCR. Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh đã ban hành 9 văn bản  chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trực thuộc triển khai, tham mưu tốt cho UBND huyện, thành phố, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác BVR, PCCCR.

Chi cục Kiểm lâm vùng II phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế kiểm tra công trình, thiết bị PCCCR của chủ rừng (Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong)

          Tăng cường chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm và chủ rừng chủ động, tham mưu kịp thời cho UBND cấp huyện ban nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng; tổ chức, duy trì trực phòng cháy, chữa cháy theo cấp dự báo cháy rừng 24/24 giờ trong suốt mùa khô hanh để kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực có nguy cơ cháy rừng cao, kịp thời thông tin để có phương án huy động lực lượng nếu có cháy rừng xảy ra; xây dựng Phương án và triển khai thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy rừng, thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban, trực chiến, kiện toàn 02 Tổ ứng cứu luôn ở trong tư thế sẵn sàng; rà soát bổ sung các phương tiện, máy móc trang thiết bị, công cụ, dụng cụ, theo phương châm “4 tại chỗ và 5 sẵn sàng” trong phòng cháy, chữa cháy rừng; thực hiện bảo dưỡng tốt các phương tiện, thiết bị chữa cháy rừng; thường trực sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị chữa cháy rừng.

          Thường xuyên tổ chức các cuộc họp giao ban định kỳ, đột xuất nên đã kịp thời giải quyết những vướng mắc tận cơ sở; đã tổ chức nhiều đợt làm việc trực tiếp với lãnh đạo cấp uỷ và chính quyền địa phương, các đợt kiểm tra hiện trường, nhất là khi có vụ việc được báo chí phản ánh đều được lãnh đạo Sở, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tiếp cận hiện trường và có báo cáo, phản hồi nhanh chóng, chính xác.

          Đoàn công tác đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế, ghi nhận, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của địa phương để báo cáo cấp có thẩm quyền. Kết thúc buổi làm việc với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế và phối hợp kiểm tra một số đơn vị chủ rừng, Đoàn công tác đề nghị Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế một số vấn đề như: Thực hiện tốt Phương án PCCCR đã được phê duyệt, tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc cơ sở, với tinh thần phòng cháy là chính, chữa cháy kịp thời, hiệu quả, theo phương châm 4 tại chỗ; hướng dẫn chủ rừng rà soát, bổ sung và hoàn thiện lại phương án PCCCR và thực hiện đúng các quy định về PCCCR tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ; tổ chức lực lượng thường trực 24/24h trong thời kỳ cao điểm, hạn chế người và phương tiện không phân sự vào rừng; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, vận hành các thiết bị PCCCR, đảm bảo hoạt động tốt, sẵn sàng cơ động khi có cháy rừng xảy ra; tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục cho người dân để nâng cao ý thức trong công tác PCCCR; thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng, phát hiện sớm cháy rừng trên hệ thống thông tin điện tử của Chi cục Kiểm lâm vùng II tại địa chỉ Website: kiemlamvung2.org.vn, Cục Kiểm lâm tại địa chỉ Website: kiemlam.org.vn. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông báo, báo cáo khi xảy ra cháy rừng theo quy định./.

                                                                                                                                                                    (Tin, ảnh: Phòng nghiệp vu III)

 

 

 

Thống kê website

Lượt truy cập: 310110

Đang online: 40

Ngày hôm qua: 197