Kiểm tra công tác Phòng cháy, chữa cháy rừng tại các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An.
Hiện nay, nắng nóng gay gắt đang diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 37°C - 39°C, có nơi trên 44°C do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên nắng nóng gay gắt hơn, với số ngày nắng cao hơn trung bình nhiều năm và có nhiều diễn biến bất thường, đặc biệt là khu vực Bắc Trung Bộ (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã đo Nhiệt độ kỷ lục trưa ngày 6/5/2023 tại trạm Hồi Xuân Thanh Hóa định 44,1o C). Do vậy, nguy cơ cháy rừng rất cao tại nhiều địa phương có thể gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân trên địa bàn.
Để tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy chữa cháy rừng, thực hiện Công điện số 2547/CĐ-BNN-TCLN ngày 24/4/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Văn bản số 172/KL-QLR ngày 14/5/2023 của Cục Kiểm lâm. Ngày 21/5/2023, Chi cục Kiểm lâm vùng II đã thành lập Đoàn kiểm tra do đồng chí Nguyễn Bá Thanh – Phó Chi cục trưởng làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác tại các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An nhằm đôn đốc các địa phương tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp về công tác PCCCR như: Công tác chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy rừng; xây dựng và thực tập phương án PCCCR; dự báo, cảnh báo cháy rừng, theo dõi, thường trực 24/24 và phát hiện sớm cháy rừng trên Website của Cục Kiểm lâm; công tác “4 tại chỗ”; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, thiết bị PCCCR, công tác hậu cần để chủ động ứng phó kịp thời với các vụ cháy rừng có thể xảy ra, …
Kiểm tra công tác trạm quan sát phát hiện cháy rừng qua Camera 360 độ
tại BQL rừng phòng hộ Bắc Nghệ An
Kiểm tra chốt chặn người vào rừng tại BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ gỗ Hà Tĩnh
Kiểm tra VLC khu vực rừng ven biển BQL rừng phòng hộ Đồng Hới, Quảng Bình
Qua kiểm tra công tác PCCCR tại các Chi cục Kiểm lâm và một số đơn vị Chủ rừng trên địa bàn Đoàn kiểm tra ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc chỉ đạo của lãnh đạo các cấp ở địa phương, đã triển khai nhiều biện pháp để ứng phó, giảm thiểu các nguy cơ phát lửa tại các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao (rừng Thông, Bạch Đàn, Keo, … ; rừng tre nứa, …), luôn đảm bảo công tác “4 tại chỗ” trong PCCCR. Đặc biệt, một số Chủ rừng đã chủ động ứng dụng công nghệ (Camera 360 độ) để theo dõi và phát hiện sớm các điểm cháy rừng; mua sắm thêm các phương tiện, thiết bị chữa chữa rừng; công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được triển khai thường xuyên; lực lượng Kiểm lâm thực hiện kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là hoạt động đốt nương làm rẫy, dừng việc dùng lửa để xử lý thực bì và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng trong những ngày cao điểm.
Trên cơ sở chủ động của các địa phương trong công tác PCCCR. Đoàn kiểm tra của Chi cục Kiểm lâm vùng II đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng không để phát sinh các điểm nóng về phá rừng, khai thác, lấn chiếm rừng trái quy định của pháp luật theo Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 18/5/2022, của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật; tham mưu, chỉ đạo thực hiện Công điện số 441/CĐ-TTg ngày 22/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 2547/CĐ-BNN-TCLN ngày 24/4/2023 của Bộ NN&PTNT về tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy chữa cháy rừng; thường xuyên trao đổi thông tin với Chi cục Kiểm lâm vùng II trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR và thực hiện nghiêm túc chế độ thông báo, báo cáo khi xảy ra cháy rừng theo quy định./.
Tin, ảnh: Phòng Nghiệp vụ III.